Hôm nay nhà mình có khách đến chơi, đó là gia đình một người bạn của chồng mình, vợ chồng bạn ấy và hai em bé. Bọn trẻ ngang tuổi nhau và dễ dàng làm quen và chơi cùng nhau. Nhưng trẻ con mà, có thể dỗi nhau từ những điều rất đơn giản.
Câu chuyện xảy ra khi cậu bé con của người bạn kia nhất định muốn lấy món đồ chơi yêu thích của con gái mình. Con bé thì cũng nhất định không muốn cho vì đó là món đồ nó rất thích, cất kĩ trong tủ chỉ để ngắm nhìn. Chồng mình có vẻ ngại với bạn nên chạy lại dỗ con theo kiểu, “con nhường cho bạn đi rồi hôm sau bố mua cho con cái khác”, hoặc như “con chia sẻ cho bạn đi, chia sẻ là tốt mà”… Con mình vẫn nhất định không chịu. Vợ chồng người bạn kia thấy thế cũng chạy lại dỗ dành cậu bé kia và hứa sẽ tặng cho cậu ấy vào dịp trung thu sắp tới.
Khi gia đình nọ ra về mình có nói chuyện với con về lý do con yêu thích món đồ ấy và hỏi con nếu bạn không lấy và chỉ mượn thì con có đồng ý không. Con bé trả lời rằng sẽ cho mượn để bạn xem thôi, nhưng mà bố cứ bắt con phải cho bạn.
Chắc hẳn khi làm cha mẹ chúng ta cũng không ít lần gặp phải trường hợp như thế này, có lần con mình ở phía người đòi đồ và người mẹ của bạn có món đồ cũng bắt bạn ấy chia sẻ cho con mình bằng được. Và đâu đó vẫn có những đứa trẻ khóc nấc lên khi bị ép cho đi món đồ yêu thích của mình.
Ở phía người lớn chúng ta luôn cho rằng các con phải biết chia sẻ, từ chia sẻ này được nhắc đi nhắc lại trong mọi cuộc tranh đòi của bọn trẻ, đứa lớn phải nhường đứa nhỏ, bạn đến nhà chơi phải nhường bạn, đứa nào khóc to hơn thì đứa kia phải nhường…
Quay lại câu chuyện của em bé nhà mình, trong cuộc nói chuyện đó với con, mình đã ủng hộ quyết định của con. Con có thể nhường nếu con thực sự thoải mái với điều đó, không ai có quyền ép con từ bỏ điều con thích. Tuy nhiên nếu bạn ấy chỉ muốn mượn và cùng chơi chung với con thì hãy mở lòng. Và nhìn ánh mắt con mình tin rằng mình đã quyết định đúng, con bé rạng rỡ và tự tin hơn, nó không còn cảm thấy khó hiểu khi bị bắt lấy đồ cho người khác.
Nhìn lại câu chuyện này, mình nhận ra rằng việc làm cha mẹ không chỉ là việc hướng dẫn con cái biết cách chia sẻ mà còn là việc tôn trọng cảm xúc và quyền sở hữu của chúng. Khi chúng ta ép buộc trẻ phải từ bỏ món đồ mà chúng yêu thích, chúng ta vô tình khiến trẻ cảm thấy không được lắng nghe và tôn trọng. Thay vào đó, việc giải thích, lắng nghe và đưa ra các giải pháp thỏa hiệp sẽ giúp trẻ hiểu rõ hơn về giá trị của sự chia sẻ một cách tự nguyện.
Bài học lớn nhất mà mình rút ra từ tình huống này là: hãy để con trẻ tự quyết định việc chia sẻ khi chúng cảm thấy thoải mái và sẵn lòng. Khi làm như vậy, chúng ta không chỉ dạy trẻ về lòng nhân ái mà còn giúp chúng xây dựng sự tự tin và cảm giác được tôn trọng. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc hình thành tính cách và nhận thức của trẻ trong tương lai.
Bài viết thuộc thử thách viết 30 ngày của khóa học Writing On The Net
No Comments